Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ như hiện nay thì những thuật ngữ như AI (Artificial Intelligence) hay ChatGPT đang dần dần xuất hiện nhiều trong cuộc sống của chúng ta. Qua quá trình phỏng vấn, chia sẻ và làm việc với nhiều bạn trẻ, nhất là những bạn sinh viên đang trong giai đoạn xác định ngành học và định hướng nghề nghiệp, mình nhận thấy các bạn có nhiều thắc mắc và câu hỏi thú vị về AI. Trong bài viết này, hãy cùng nhau phân tích và thảo luận một số luận điểm hay được mọi người quan tâm.
1. AI là ChatGPT, AI là Robot?
AI là một thuật ngữ xuất hiện từ những năm 50 của thế kỷ trước. Theo định nghĩa, AI là trí thông minh của con người được diễn giải bằng máy tính. Vậy nên, AI sẽ bao gồm tất cả những thuật toán, những mô hình nhằm mục đích mô phỏng lại kiến thức hay trí thông minh của con người như xử lý hình ảnh, xử lý âm thanh hay xử lý ngôn ngữ. Trong lịch sử phát triển của AI, chắc hẳn các bạn đã nghe đến Machine Learning và Deep Learning. Machine Learning là một hướng tiếp cận để đạt được AI, và Deep Learning là một công nghệ để thực thi và triển khai Machine Learning. Đến đây, chắc các bạn cũng phần nào mường tượng rằng AI không phải là ChatGPT hay Robot, mà AI bao gồm ChatGPT và Robot. ChatGPT và Robot là các sản phẩm của AI. ChatGPT là một sản phẩm của xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing). Robot là một sản phẩm của nhiều lĩnh vực bao gồm thị giác máy tính (Computer Vision), xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing), và học tăng cường (Reinforcement Learning)
2. AI thông minh hơn con người?
Xét về mặt tổng thể thì AI là thể hiện của trí tuệ con người trên máy tính, và con người tạo ra AI với hi vọng AI có thể hỗ trợ hoặc thay thế mình làm một số công việc như điểm danh, đếm đồ vật, hay phát hiện sản phẩm lỗi. Vì vậy, AI khó có thể thông minh hơn con người trên phương diện tổng thể các vấn đề. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng có nhiều thuật toán hay sản phẩm AI có thể vượt qua con người ở một số lĩnh vực cụ thể. Một ví dụ điển hình là bộ môn chơi cờ (tham khảo ở đây). Với khả năng tự học và thu nạp kiến thức chơi cờ vua của con người hàng trăm năm chỉ trong 4 tiếng đồng hồ, AlphaZero của DeepMind được xem là vượt qua nhiều đại kiện tướng cờ vua trên thế giới. Không chỉ dừng lại ở cờ vua, AlphaGo của Google đã đánh bại đại kiện tướng cờ vây Lee Se-dol với kết quả đáng ngạc nhiên. Có lẽ chúng ta vẫn cần phải chờ đợi thêm xem liệu AI có thể thực sự trở nên thông minh hơn con người được hay không. Nếu AI càng thông minh, thì con người lại có những nhiệm vụ khó hơn cho AI, buộc AI phải tiếp tục học hỏi và cập nhật.
3. AI thay thế hoàn toàn được con người?
Ngày nay đã có nhiều công việc có thể được thực hiện hoàn toàn bằng AI, nhất là những công việc đòi hỏi nhiều thao tác thủ công và có tính chất lặp lại như tư vấn qua điện thoại, tiếp nhận và điều hướng thông tin, công việc nhập và xử lý dữ liệu, hay thậm chí những công việc khó hơn như sáng tạo nội dung. Tuy nhiên, cũng có những lĩnh vực mà AI không thể hoàn toàn thay thế được con người. Điển hình là lĩnh vực y tế khi mà sức khỏe và sự an toàn của con người là yêu cầu bắt buộc và quan trọng nhất. AI có thể hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán hình ảnh và đưa ra những quyết định lâm sàn, nhưng không thể thay thế bác sĩ để đưa ra những kết luận cuối cùng hay phác đồ điều trị. AI có thể đưa ra ý kiến tham khảo hoặc tư vấn cho con người, nhưng không thể thay thế con người trong việc ra quyết định. Ông David Kenny, từng là Phó chủ tịch mảng Watson và Cloud của IBM, đã có một phát biểu về AI: “Những quyết định quan trọng cần phải có sự xem xét, đạo đức và trực giác của con người; AI không thể thay đổi được điều đó”.
4. Học AI khó tìm việc ở Việt Nam?
Nhận định này có lẽ mới chỉ nêu được một vế của sự việc. Người học AI xong khó tìm được công việc phù hợp, và các công ty làm AI cũng không dễ tìm được người phù hợp. Không phải có ít công ty làm về AI ở Việt Nam, và cũng không phải có ít người học về AI, vấn đề then chốt ở đây là sự phù hợp. Nhiều bạn nghĩ rằng chỉ cần học một vài khóa về AI hay Machine Learning, hoặc tham gia một vài mini projects về Deep Learning là có thể đủ để làm việc trong một công ty chuyên về AI. Thực tế không hẳn là như vậy. Kiến thức chỉ là một phần, kĩ năng và trải nghiệm thực tế mới là quan trọng. Nếu vậy sẽ có một câu hỏi như là: "các bạn sinh viên mới ra trường thì sao?". Mình nghĩ ngoài việc học trên trường, các bạn sinh viên cũng nên chuẩn bị cho mình 1 lộ trình thực tập hợp lý và tham gia các cuộc thi về AI để có những góc nhìn thực tế hơn về AI. Như vậy sau khi tốt nghiệp, bạn cũng tích lũy được những kinh nghiệm và trải nghiệm nhất định. Hơn nữa, không phải chỉ những công ty chuyên về AI mới có AI, mà có rất nhiều những lĩnh vực khác cũng có công việc AI ví dụ như bank hay logistics. Vì vậy, các bạn trẻ cũng nên cân nhắc lựa chọn công ty phù hợp với kiến thức và kinh nghiệm hiện tại của mình, rồi dần dần tích lũy thêm.
5. Công ty nhỏ không thể làm AI?
Đây là một luận điểm thú vị nhưng có lẽ trước hết cần định nghĩa như nào là "nhỏ" - quy mô 10, 20, 30, hay 50 người. Mình nghĩ luận điểm trên nên đổi thành "công ty nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn khi làm AI" thì sẽ hợp lý hơn. Bởi vì để làm được AI sẽ cần đầu tư nhiều chi phí cho data, cơ sở vật chất và con người. Data là một phần rất quan trọng và đóng góp vào sự "thành công" của AI. Data càng nhiều thì AI càng trở nên thông minh hơn. Khi data nhiều thì việc phân tích và sử dụng chúng cũng sẽ cần đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại và tốn kém. Ví dụ như ChatGPT tiêu tốn tối thiểu 100000 USD mỗi ngày cho việc vận hành của nó. Và cuối cùng, để phát triển được các thuật toán AI, để làm chủ được nguồn data dồi dào, để khai thác hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư, cần có một đội ngũ giỏi và đủ kinh nghiệm. Tất cả những yếu tố trên đều tính vào chi phí và sẽ là thử thách lớn với các công ty nhỏ.
Trên đây mình đã đi qua một vài thắc mắc và câu hỏi thú vị về AI. Hẹn gặp các bạn trong các bài viết sau để cùng chia sẻ và phân tích những chủ đề về AI. Thanks for reading!