Câu chuyện sáng lập Asilla: Truyền thuyết hồ Hoàn Kiếm

(Bài được viết vào năm 2019, phỏng vấn CEO Asilla, Inc., Kimura Daisuke)

Nhân dịp Nhật Bản bước từ niên hiệu Heisei sang Reiwa, tôi xin chia sẻ câu chuyện về sự sáng lập của Asilla.

Câu chuyện này có lẽ liên quan phần nào tới mục tiêu “Cho tới năm 2023 sẽ thành lập 20 công ty khởi nghiệp có giá trị vốn hoá thị trường từ 100 tỷ yên trở lên”, nằm trong chiến lược phát triển của chính phủ Nhật Bản. Câu chuyện này có lẽ cũng sẽ là nguồn cảm hứng cho những người trẻ tuổi muốn khởi nghiệp. Nói chung, tôi mong muốn câu chuyện này sẽ có ích theo nghĩa nào đó.

(Không phải là vì tôi nghịch Jetson Nano nhiều quá chán nên quay ra kể chuyện…)

Asilla là công ty khởi nghiệp về AI hiện sắp tròn 4 năm. Hoạt động chính của công ty là xây dựng mô hình học máy (machine learning) trong lĩnh vực phân tích hình ảnh nhằm giải quyết các vấn đề trong xã hội.

Đặc biệt, Asilla đã có 3 bằng độc quyền sáng chế trong lĩnh vực nhận diện hành vi và hiện đang nộp đơn đăng ký các công nghệ này tại nước ngoài theo PCT. Một công nghệ tối tân khác của công ty cũng đang trong quá trình xin bằng sáng chế.

Về mặt tài chính, kể từ khi thành lập, công ty duy trì lãi về doanh thu và lợi nhuận, với mức doanh thu tăng 6 lần và doanh thu trên đầu người tăng 3 lần. Điều này có nghĩa là công ty thực hiện tốt chiến lược về công nghệ để khẳng định giá trị của kiến thức và tài sản trí tuệ của mình.

Ngoài ra, gần đây Asilla hân hạnh được tham dự các triển lãm và sự kiện hàng đầu Nhật Bản, trong đó có ABEJA SIX 2019, AI EXPO lần thứ 3, AI/SU 2019, Plug and Play Japan, Gartner Conference, v.v… và qua đó được biết đến nhiều hơn.

Tất nhiên là tương lai khó đoán, nhưng lãnh đạo của Asilla tin tưởng rằng phương hướng hiện tại là đúng đắn.


Asilla ra đời như thế nào?

Ngược dòng thời gian, vào tháng 10 năm 2013, Kimura Daisuke và Nguyễn Thanh Hải gặp nhau tại thủ đô Hà Nội. Kimura khi đó phụ trách quản lý hệ thống tại một công ty dịch vụ web được niêm yết trên bảng 1 của thị trường Nhật Bản, còn Hải là quản lý dự án của một công ty outsourcing Việt Nam.

Ngay khi gặp nhau, cả 2 đã tâm đầu ý hợp và ngày ngày đàm đạo tại một quán cà phê ở phố Duy Tân.

Nội dung thảo luận của họ gồm 3 điểm.

- Thứ nhất, việc phát triển công nghệ nên dựa trên việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm/ dịch vụ của chính công ty mình.

- Thứ hai, công nghệ chính là chìa khóa giải quyết các vấn đề xã hội và mang lại sự tiện lợi cho con người.

- Thứ ba, như thế nào là chiến lược quản trị kinh doanh theo mô hình vận dụng công nghệ mà thế giới đang cần hiện nay.

Sau nhiều ngày dài thảo luận không ngừng, họ nhận thức được một cách khách quan rằng giữa lý tưởng và thực tế có một khoảng cách không hề nhỏ. Song song với đó, họ cũng có cơ hội tới thăm các công ty dịch vụ web để tìm hiểu về ngành này.

Sau những ngày tháng đó, Kimura và Hải trở thành anh em thân thiết. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi họ nghĩ tới việc cùng khởi nghiệp để biến lý tưởng thành hiện thực.


Kết nghĩa vườn đào và rùa hồ Hoàn Kiếm

Tháng 1 năm 2014, Kimura, Hải và T.A. – sinh viên trường Đại học Bách Khoa cùng nhóm thực tập khi đó – tới một vườn đào ở Hà Nội để trao đổi lời hứa khởi nghiệp.

Thanh Hải – CEO Asilla Việt Nam – tại vườn đào ở Hà Nội

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có câu chuyện về kết nghĩa vườn đào như sau: “Ba anh em chúng ta tuy sinh không cùng ngày, nhưng nguyện đồng tâm sát cánh, đồng cam cộng khổ, cống hiến cho tổ quốc và cứu giúp chúng sinh. Tuy sinh khác năm, khác tháng, khác ngày nhưng nguyện chết cùng ngày, cùng tháng, cùng năm”.

Lời kết nghĩa của 3 chúng tôi tại vườn đào Hà Nội cũng tương tự như vậy.

Tại đó, Asilla đã ra đời.

Sau vườn đào, cả 3 tiếp tục thăm hồ Hoàn Kiếm.

Hồ Hoàn Kiếm gắn liền với truyền thuyết sau: Vào thế kỷ thứ 15, Lê Lợi nhờ có thanh gươm thần của Long Quân mà đã đánh bại giặc Minh. Sau đó Lê Lợi, khi ấy đã làm vua, đang cưỡi thuyền dạo hồ thì gặp một con rùa vàng lớn. Rùa cất tiếng nói: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân!” Vua đã trả gươm cho rùa vàng và từ đó hồ này được gọi là hồ Hoàn Kiếm.


Tranh miêu tả rùa vàng và gươm thần

Quay lại thời nay, đúng hôm thăm hồ Hoàn Kiếm thì chúng tôi cũng gặp rùa lớn, có lẽ phải dài tới 2m. Khi ấy nhiều người xung quanh reo lên vui mừng, bản thân chúng tôi cũng vô cùng xúc động. Thật trùng hợp là chúng tôi được nhìn thấy rùa vào đúng ngày trao nhau lời hứa sáng lập Asilla.

Công nghệ học sâu (deep learning) – “gươm thần” cho Asilla

Có lẽ “gươm thần” mà chúng tôi được trao chính là công nghệ học sâu (deep learning). Khi mới thành lập, chúng tôi đã tiến hành phân tích nhiều hình ảnh và dữ liệu khác nhau, và thực sự cảm nhận được sức mạnh của công nghệ này khi tiếp cận bộ dữ liệu của MNIST và mã mẫu của DNN.

Là những người yêu thích công nghệ nên chúng tôi vô cùng bất ngờ trước công nghệ này. Chúng tôi cảm thấy ngày càng có nhiều điều mà trước đây tưởng như không thể, nay đã thành có thể. Chúng tôi quyết định rằng hoạt động của Asilla sẽ tập trung vào sự phát triển của công nghệ và tác động của chúng đối với xã hội.


Từng bước biến ý tưởng thành sự thật

Năm 2015, Asilla bắt đầu đi vào hoạt động tại cả Tokyo và Hà Nội.

Có một số công ty khởi nghiệp gọi vốn lớn ngay khi khởi nghiệp và nhanh chóng mở rộng quy mô, nhưng chúng tôi không nằm trong số đó.

Chúng tôi bắt đầu với quy mô nhỏ, một phần là để học hỏi dần về cách quản trị, một phần là để thiết lập văn hoá doanh nghiệp rồi mới từng bước mở rộng.

Asilla bắt đầu từ một căn hộ ở thủ đô Hà Nội

Lợi nhuận hàng tháng được sử dụng để đầu tư cơ sở hạ tầng (GPU). Do đó, chúng tôi không thể làm việc tại các văn phòng đẹp đẽ có logo hoành tráng trước cửa. Mỗi lần thấy các công ty khởi nghiệp khác đăng ảnh long lanh trên mạng xã hội là trong công ty lại nghe tiếng thở dài (đùa vậy thôi, chứ bận lắm nên cũng không có thời gian để ý những điều đó).

Ở Việt Nam, chúng tôi thuê một căn hộ làm văn phòng nghiên cứu. Kimura sống luôn tại đây, ngày ngày nghiên cứu đến tối muộn.

(Sau đó vì bị công an đuổi nên phải chuyển sang nơi khác)

Văn phòng ở Machida, Tokyo

Ở Nhật Bản, công ty bắt đầu ở một căn phòng nhỏ chỉ vừa cho 2 người. Đây vừa là trụ sở quản trị vừa là nơi quản lý server. Dù cố gắng đến mấy cũng không làm cho GPU bớt nhiệt, nên chúng tôi vừa chiến đấu với cái nóng vừa làm việc.


Asilla thời Reiwa

Asilla tròn 4 năm vào cuối tháng 5 năm 2019.

Trong năm thứ 4, công ty đã thực hiện tài trợ bằng vốn chủ sở hữu (equity finance). Song song với đó, trung tâm nghiên cứu và phát triển tới Việt Á Tower ở Duy Tân, còn trụ sở điều hành kinh doanh được chuyển tới Otemachi – nơi tập trung nhiều công ty khởi nghiệp. Công ty cũng đón nhận nhiều thành viên giỏi, trong đó có CFO.

Yoshiteru Minagawa- CFO tại văn phòng Otemachi

Từ tháng 6 năm 2019, Asilla bước vào năm thứ 5, cùng thời điểm Nhật Bản bước sang niên hiệu mới Reiwa.

“Thanh gươm thần” vẫn còn đây. Với “thanh gươm” này, chúng tôi tin là sẽ giải quyết được những bài toán khó của xã hội và một ngày nào đó sẽ “trả ơn” như vua Lê Lợi trả gươm vậy.